Thủ tục đám cưới truyền thống người Việt đầy đủ nhất

Thủ tục cưới hỏi truyền thống người Việt đầy đủ nhất

Khi các cặp đôi bắt đầu lên kế hoạch về chung một nhà, chắc hẳn luôn tự hỏi một lễ cưới truyền thống sẽ bao gồm những nghi thức gì, những lễ vật cần chuẩn bị…

Để ngày trọng đại được tươm tất và đầy đủ, hãy cùng Thế Giới Thiệp tham khảo thủ tục đám cưới của những lễ nghi truyền thống xưa nay của người Việt Nam.

Mục lục

Lễ dạm ngõ

Lễ dạm ngõ là ngày đầu tiên mà hai gia đình gặp nhau. Tại đây, nhà trai qua nhà gái để xin phép cho cặp đôi được tiếp tục tìm hiểu nhau, xác định cuộc hôn nhân sắp đến.

Nếu cặp đôi đã tìm hiểu nhau kỹ càng trước đó, lễ này mang tính chất để hai nhà cùng khẳng định thời điểm “chín mùi”, là giai đoạn thích hợp tiến hành cho hôn nhân của đôi trẻ.

Tính chất của buổi lễ chỉ là gặp mặt nói chuyện nên lễ dạm ngõ được diễn ra đơn giản trong phạm vi gia đình. Thành phần tham dự gồm có cặp đôi, ba mẹ hai bên, anh chị em ruột của cặp đôi.

Chuẩn bị những gì cho lễ dạm ngõ

trầu cau

Lễ vật mà nhà trai mang qua nhà gái đơn giản nhưng không thể thiếu trầu cau vì nó bắt nguồn từ phong tục xa xưa “miếng trầu là đầu câu chuyện”. Ngoài ra, nhà trai có thể mang trà, bánh, rượu. Mỗi thứ với số lượng chẵn, thường là một cặp hàm ý sự nên đôi chồng vợ.

Nhà gái chỉ cần chuẩn bị một bàn tiệc ăn thân mật tiếp đón nhà trai để hai bên có một cuộc gặp gỡ thân thiết nhất.

Lễ ăn hỏi

Lễ ăn hỏi hay còn gọi là lễ đính hôn, thường diễn ra sau lễ dạm ngõ và trước lễ cưới. Nhà gái sẽ là người chọn ngày để nhà trai đến hỏi cưới con gái mình. Dĩ nhiên, ngày đó cũng đã được sự thống nhất của hai gia đình.

Lễ ăn hỏi có ý nghĩa gì? Diễn ra ở đâu?

bàn thờ gia tiên

Lễ ăn hỏi có ý nghĩa quan trọng vì nó chính là lời xác nhận của nhà gái đối với nhà trai, thay lời thông báo hứa gả con gái mình cho con trai họ. Vì thế, lễ ăn hỏi sẽ được diễn ra tại nhà gái. Trong lễ ăn hỏi sẽ bao gồm 3 nghi thức chính:

  • Nghi thức ăn hỏi
  • Nghi thức xin cưới
  • Nghi thức nạp tài

Các bước chuẩn bị lễ ăn hỏi 

Lễ vật cần thiết nhất vẫn là trầu cau. Ở lễ ăn hỏi, nhà trai cần mang qua 3 chục trầu, chia đều cho 3 nghi thức ăn hỏi – xin cưới – nạp tài.

Tráp (quả) mà nhà trai mang đến gồm có các lễ vật như bánh su sê, rượu, trà, heo quay, gạo nếp, trái cây, tiền, vải vóc… tùy theo phong thục của từng vùng miền mà họ chọn lễ vật phù hợp. Mỗi tráp, nhà gái sẽ lấy 2 phần và lại quả cho nhà trai 1 phần.

Ngoài ra, tiền nạp tài cũng được nhà trai gửi đến nhà gái trong ngày này. Số tiền ít hay nhiều tùy thuộc yêu cầu thách cưới từ nhà gái nhưng cũng cần phù hợp với khả năng tài chính của nhà trai.

Sau khi người chủ hôn nhà trai phát biểu xin hỏi cưới cô dâu, mẹ chú rể sẽ trao 3 chục trầu và nhà gái để một ít lên bàn thờ gia tiên. Sau đó, mới nhận tiền nạp tài và lễ vật từ các tráp.

Lễ ăn hỏi theo truyền thống người Việt mới nhất

Cuối cùng, cô dâu chú rể sẽ mời trà, rượu cho ông bà, ba mẹ hai bên và những người tham dự nghi thức. Tiệc ăn hỏi có thể tổ chức sau đó để mọi người cùng chung vui với cặp đôi. Kể từ ngày này, cặp đôi đã được gọi là vợ chưa cưới và chồng chưa cưới của nhau.

Lễ cưới

Lễ cưới là buổi lễ quan trọng nhất trong thủ tục đám cưới để cô dâu chú rể chính thức trở thành vợ chồng. Không đơn giản như hai lễ trước, lễ cưới gồm có tiệc vu quy, lễ xin dâu (lễ rước dâu), lễ gia tiên ở nhà trai và tiệc tân hôn.

Lễ vu quy

Đây là buổi tiệc rượu mà gia đình nhà gái muốn tổ chức để họ hàng và bạn bè của cô dâu cùng chung vui. Buổi tiệc thường diễn ra trước khi làm lễ rước dâu một ngày.

Lễ rước dâu – Lễ tân hôn

Cặp đôi hạnh phúc trong Lễ rước dâu – Lễ tân hôn

Vào ngày giờ tốt, nhà trai gồm chú rể, bố mẹ, ông bà, họ hàng thân thiết, chủ hôn (hoặc ông mai, bà mối), chú rể phụ và dàn bê tráp sẽ đến nhà gái xin rước dâu. Chú rể phụ sẽ cầm chai rượu và 2 chung rượu tiến vào nhà gái để xin phép. Sau khi được nhà gái đồng ý, đoàn nhà trai mới tiến vào.

Sau khi chủ hôn trình bày lý do và nhà trai trao lễ vật, cô dâu được mẹ ruột dẫn ra để chào mọi người. Lúc này, cô dâu sẽ được chú rể trao nhẫn cưới cùng các lễ vật vòng vàng khác từ bố mẹ chồng, của hồi môn từ bố mẹ ruột. Cặp đôi cúi lạy gia tiên và sau đó cùng nhau về nhà trai.

Tại lễ gia tiên nhà trai, cặp đôi cũng tiến hành cúi lạy trước bàn thờ tổ tiên. Sau đó, chủ hôn hoặc bố chồng sẽ phát biểu và chính thức công nhận cô dâu là con dâu nhà mình.

Buổi tiệc tân hôn cũng được tổ chức ngay sau đó tại nhà hoặc nhà hàng để mọi người cùng chung vui và chúc mừng cô dâu chú rể.

Hot: Những lời chúc đám cưới hay và ý nghĩa

Cần chuẩn bị những gì cho lễ rước dâu

Tráp gồm những lễ vật tương tự như lễ hỏi.

Không cần tiền nạp tài nữa nhưng cần một bộ trang sức để tặng cho cô dâu gồm: cặp nhẫn cưới, đôi bông tai, dây chuyền hoặc vòng kiềng.

cặp nhẫn cưới cho lễ rước dâu

Một số gia đình sẽ cho cô dâu vòng vàng vào ngày lễ hỏi thì vào ngày xin dâu không cần cho nữa.

Những điều kiêng kỵ trong lễ rước dâu

Để tránh điềm gỡ, trong lễ rước dâu và lễ gia tiên thường có một số kiêng kị mà cặp đôi nên lưu ý. Dù bạn không tin dị đoan, nhưng vì đây là ngày trọng đại cả đời có một nên hãy “có kiêng có lành” nhé.

  • Không làm rơi vỡ đồ đạc
  • Khi về nhà chồng, cô dâu không ngoái đầu trở lại nhà mình
  • Không mặc đồ màu đen
  • Không nói chuyện xui, chuyện gỡ
  • Người đi đón/ đưa dâu nên là cặp đôi có gia đình hạnh phúc, con đàn cháu đống. Kiêng những người ly hôn hoặc góa bụa.
  • Không để đồ cũ, đồ hư hỏng, dao, kéo hay dấu tích của người yêu cũ trong phòng tân hôn.

Có thể bạn cần tham khảo: Hình nền ảnh cưới đẹp / Hướng dẫn cách viết thiệp cưới và nội dung thiệp cưới

Biên tập: Hoa Thiên Điểu – Thế Giới Thiệp

5/5 - (1 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *