Bên cạnh chuẩn bị cho lễ cưới, các cặp đôi cũng quan tâm đến việc đăng kí kết hôn, vốn là bắt buộc trong mọi cuộc hôn nhân ở Việt Nam. Vậy tại sao phải đăng kí kết hôn và trình tự đăng kí như thế nào? Bài viết này, bằng kinh nghiệm của mình, Thế Giới Thiệp sẽ hướng dẫn các bạn nhiều thông tin bổ ích.
Tại sao phải đăng kí kết hôn?
Đăng kí kết hôn hay làm giấy hôn thú là một việc bắt buộc theo luật pháp của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Theo Luật hôn nhân và gia đình 2014, người đàn ông và phụ nữ chung sống với nhau như vợ chồng, thậm chí có con với nhau, dù thời gian chung sống có bao lâu đi nữa nhưng nếu không có giấy đăng kí kết hôn cũng không được pháp luật công nhận là vợ chồng. Điều này ảnh hưởng nhiều khi có sự việc nào đó xảy ra, gây mất quyền lợi cho một trong hai, hoặc cả hai, ảnh hưởng đến con chung, con riêng…
Nhiều cặp đôi suy nghĩ chỉ cần yêu thương nhau, tự nguyện về sống chung, cùng chí thú làm ăn, sinh con đẻ cái hoặc cùng nhau “cúi lạy ông bà tổ tiên” thì là vợ chồng. Tuy nhiên, ngoài ý nghĩa linh thiêng, hôn nhân còn bị – hoặc nên bị ràng buộc bởi nhiều thứ nữa là quyền lợi và nghĩa vụ mà vợ chồng phải chịu, mà công cụ giúp cho điều đó là giấy đăng kí kết hôn.
Khi đăng kí kết hôn, quyền lợi vợ chồng được pháp luật bảo vệ bình đẳng. Tài sản sau kết hôn (tính từ ngày kí giấy kết hôn) sẽ là của chung vợ chồng. Khi có bất hòa dẫn đến ly hôn hay bất cứ vấn đề nào, pháp luật sẽ bảo hộ cho quyền lợi của mỗi người một cách công bằng.
Luật pháp Việt Nam quy định hôn nhân 1 vợ – 1 chồng. Vi vậy, đăng kí kết hôn giúp vợ chồng thực hiện nghĩa vụ với nhau tốt hơn, giảm nguy cơ ngoại tình.
Con cái là điều tuyệt vời và quan trọng nhất của cuộc hôn nhân. Đăng kí kết hôn giúp pháp luật bảo vệ những đứa trẻ, giúp chúng có được những quyền lợi cơ bản và đầy đủ nhất.
- Mời xem thêm: Những lời chúc đám cưới hay
Điều kiện để đăng kí kết hôn mới nhất
Theo luật Việt Nam, để đăng kí kết hôn, đôi bạn cần phải đáp ứng những điều kiện sau:
- Đủ tuổi kết hôn: Nam từ 20 tuổi, nữ từ 18 tuổi
- Việc kết hôn do 2 bên tự nguyện.
- Một trong hai người hoặc cả hai người không bị mất hành vi dân sự.
- Không thuộc những mục cấm của luật hôn nhân và gia đình Việt Nam.
Những trường hợp không được phép kết hôn
Luật hôn nhân và gia đình không cho phép những trường hợp sau kết hôn:
- Tảo hôn: kết hôn với trẻ em hoặc người chưa đủ tuổi
- Các trường hợp kết hôn do lừa dối mà thành, cưỡng ép…
- Phá vỡ hôn nhân 1 vợ 1 chồng: người đã kết hôn chung sống với người khác hoặc người chưa kết hôn chung sống với người đã kết hôn
- Kết hôn với người có dòng máu trực hệ trong phạm vi 3 đời.
- Kết hôn với những người có quan hệ trong gia đình, kể cả con nuôi, cha mẹ nuôi.
Thủ tục cần thiết để đăng kí kết hôn
Để đăng kí kết hôn, ngoài đáp ứng những điều kiện trên, cặp đôi cần chuẩn bị:
- Bản sao hộ khẩu của 2 bên
- Chứng minh nhân dân sao y công chứng
- Giấy chứng nhận độc thân để Xác nhận tình trạng hôn nhân trước khi đăng ký kết hôn (Nếu đăng kí ở địa phương bên vợ thì cần giấy độc thân của chồng và ngược lại)
- Tờ khai giấy đăng kí kết hôn
Cặp đôi đến Ủy ban nhân dân cấp xã làm tờ khai đăng kí (không được vắng mặt một trong hai). Tại đây, các bạn sẽ được hỏi về sự tự nguyện kết hôn, có bị cưỡng chế không… Cán bộ hộ tịch sẽ ghi nhận và lưu giữ giấy tờ, hẹn thời gian để cặp đôi đến nhận kết quả. Trong thời gian khoảng 5-10 ngày tùy địa phương, cán bộ hộ tịch sẽ điều tra nhân khẩu của bạn, về tình trạng độc thân và những điều kiện khác…
Đến ngày hẹn, nếu không vấn đề gì, cán bộ Tư pháp hộ tịch ghi vào sổ đăng kí kết hôn, chứng nhận cặp đôi là vợ chồng. Việc này sẽ được lưu lại mãi về sau, trừ phi bị thay đổi bởi nguyên nhân khác (ly hôn).
Cặp đôi sẽ được cấp 2 Giấy chứng nhận kết hôn (mỗi người giữ 1 bản) và giấy chứng nhận kết hôn bản sao công chứng với số lượng tùy theo yêu cầu của cặp đôi. Ngoài ra, các bạn còn có thể nhận được 1 thư chúc mừng từ Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã.
- Mời xem thêm: Hướng dẫn cách viết thiệp cưới và nội dung thiệp cưới
- Hướng dẫn hay: Cách phát biểu trong lễ cưới cần biết
Hướng dẫn đăng ký kết hôn online
Đăng ký kết hôn online hay còn gọi là đăng ký kết hôn qua mạng internet, được Hệ thống dịch vụ công trực tuyến TP. Hà Nội ra mắt để đáp ứng nhu cầu nhanh, tiện, hiện đại, số hóa và giảm thiểu cách thủ tục hành chính theo chủ trương của nhà nước, trong công cuộc phát triển mạnh mẽ công nghệ thông tin như hiện nay.
Bước 1: Truy cập vào địa chỉ website dichvucong.hanoi.gov.vn sau đó nhấp vào ĐĂNG KÝ TRỰC TUYẾN
Những trường hợp đặc biệt
Đăng kí kết hôn ngoài tỉnh?
Trong trường hợp cả vợ chồng sinh sống, làm việc tại một thành phố khác nơi thường trú. Các bạn cần bổ sung thêm giấy tạm trú của cả hai và đều phải có giấy chứng nhân độc thân của cả hai vợ chồng.
Thủ tục tái hôn lần 2, lần 3
Thủ tục nhìn chung giống với đăng kí kết hôn lần đầu. Tuy nhiên, trường hợp này cần bổ sung:
- Giấy ly hôn của 1 bên hoặc cả 2 bên (nếu cả 2 người đều từng ly hôn)
- Giấy chứng tử hoặc giấy tuyên bố mất tích của vợ/ chồng cũ.
Thủ tục kết hôn với người nước ngoài
Đối với thủ tục đăng kí kết hôn giữa người Việt Nam và người nước ngoài, hồ sơ sồm:
- Tờ khai đăng kí kết hôn (như mọi trường hợp trên)
- Giấy chứng nhận tình trạng hôn nhân của mỗi bên. Đối với người Việt Nam, giấy này được cấp tại địa phương. Đối với bên là người nước ngoài, giấy này được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền nước ngoài, còn giá trị sử dụng đến ngày đăng kí kết hôn hoặc chứng thực người này đủ điều kiện kết hôn.
- Giấy ly hôn (nếu đã từng ly hôn)
- Giấy kiểm tra sức khỏe cấp tại Việt Nam hay tại nước ngoài nhằm xác định tình trạng tâm thần cũng như hành vi của người đó.
- CMND của công dân Việt Nam, hộ chiếu/ thẻ củ trú của công dân nước ngoài.
Khác với thủ tục đăng kí của người Việt Nam, thủ tục đối với trường hợp có yếu tố nước ngoài được đăng kí ở Ủy ban nhân dân cấp huyện.
Theo: Hoa Thiên Điểu – Thế Giới Thiệp